Thuyết trình dưới lăng kính copywriting
Nếu bây giờ bạn đứng giữa buổi thuyết trình hoặc trình bày trước nhóm nhưng lại không biết bắt đầu như thế nào để lấy được sự chú ý của mọi người. Cảm giác của bạn thế nào?
Có 1 thời, trải nghiệm đau đớn nhất của tôi là chỉ biết lặp lại từng câu từng chữ hiện ra trên slide thuyết trình hoặc lọng cọng khi cố gắng diễn đạt ý tưởng rất hay nào đó mà trong thoáng chốc nó đi đâu mất tiêu.
Khỏi phải nói, tôi bắt đầu nghi ngờ về khả năng của bản thân và cố gắng né tránh, trì hoãn lặp lại trải nghiệm này.
Nhưng kiểu gì thì kiểu, cuối cùng tôi nhận ra việc biết cách khởi đầu chủ đề quyết định rất lớn tới kết quả (về mặt truyền đạt) của phần còn lại, rằng cách bắt đầu 1 bài thuyết trình có lẽ không khác cách bắt đầu 1 copy, nhiệm vụ của bạn là phải lấy được sự chú ý của khán giả.
Rất nhiều lần (chứ không phải đôi khi), màn biểu diễn cuốn hút nằm ở cách bắt đầu, chứ không hẳn nằm ở nội dung truyền đạt (tất nhiên không bảo rằng nội dung cần truyền đạt không quan trọng).
Tôi muốn giới thiệu đến bạn các kỹ thuật mà bản thân đã bỏ công nghiên cứu và thực hành để giúp tôi tự tin đứng nói như ngày hôm nay. Nào, cùng xem chúng ta có gì……..
1. Đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chủ đề muốn nói
Đây là cách thường thấy để thu hút người nghe, các câu hỏi sẽ kích thích trí óc của người nghe, khiến họ suy nghĩ về câu trả lời. Đây là cách tôi áp dụng để nói về một sản phẩm mình chào bán:
“Bạn đã từng tự bán hàng online lần nào chưa? Bạn thấy nó dễ hay khó?
Bạn nghĩ cần chuẩn bị gì khi bán hàng online?
Bạn có tìm hiểu cách thức làm cho việc bán hàng online đơn giản,
dễ kiểm soát và mang lại kết quả cao hơn chưa?
Bạn xử lý thế nào khi nhận đơn đặt hàng?
Bạn đã biết cách xây dựng 1 website hay chạy quảng cáo trên Facebook ? v.v…”
Những câu hỏi như vậy sẽ tạo ra sự tương tác cần thiết giữa bạn và người nghe, khi đã đạt được điều đó, tôi sẽ bật mí từ từ về giải pháp bán hàng online của mình.
2. Trình chiếu con số thống kê thú vị
Dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu các thống kê có ý nghĩa hoặc tự mình nghiên cứu và phân tích số liệu, phục vụ cho việc thể hiện tính nghiêm trọng / bức bách về những gì bạn sẽ nói.
“85% cho rằng bán hàng online rất phức tạp”
“70% những người bán hàng online ngưng làm sau 3 tháng đầu tiên vì
không bán được hàng”, hoặc
“Cứ mỗi giây, trên Facebook có 1 fanpage giới thiệu sản phẩm được tạo ra,
nhưng có tới 2 fanpage như vậy ngưng hoạt động”, v.v…
…là những ví dụ bạn có thể dẫn ra để bắt đầu vấn đề mình muốn nói.
Tất nhiên, mỗi con số bạn cung cấp cần được giải thích rõ nguồn gốc của nó (lấy từ đâu, thời gian nào, hoặc tác giả cung cấp là ai), không thì bạn sẽ gặp rắc rối đấy.
3. Kể 1 câu chuyện hoặc tình huống từng chứng kiến hoặc trải qua
Cách bạn diễn tả câu chuyện của mình sẽ giúp toát lên độ hay của nó, bạn nên tập làm quen với cách dẫn chuyện hoặc tự tạo phong cách dẫn chuyện cho mình. Nếu bạn chưa có phong cách dẫn chuyện hay thì cũng không sao, cứ thể hiện hiện câu chuyện của bạn, miễn sao người nghe biết được bạn muốn nói gì, cố gắng đừng lan man.
“Như anh / chị biết, các nhà phân phối thường tổ chức một đội nhân viên
kinh doanh có nhiệm vụ đi tiếp cận thị trường và lấy đơn hàng. Việc này là
bình thường, tuy nhiên công đoạn mà các nhân viên này lấy đơn hàng và di chuyển
về nhà phân phối giao lại nội dung đơn hàng mất rất nhiều thời gian và không
hiệu quả. Nhiều bạn nhân viên kinh doanh tâm sự với chúng em giá như không phải
di chuyển xa như vậy thì sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm kiếm khách hàng mới,
mở rộng thêm thị trường. Đây chính là một trong những lý do công ty tạo ra…”
4. Sử dụng từ “Hãy tưởng tượng…”, “Thử hình dung…”, “Tưởng tượng xem…”, “Thử nghĩ mà xem…”…
Người nghe sẽ dựng lên trong đầu 1 hình ảnh nào đó mà họ sắp được nghe. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho bất kỳ chủ đề nào mà bạn muốn hướng khán giả tới 1 kết quả tích cực hoặc tương lai tươi sáng nào đó.
“Bây giờ anh chị thử hình dung là chỉ với ứng dụng đơn giản được cài đặt
trên điện thoại này *cầm điện thoại giơ lên* thì nhân viên kinh doanh của anh
chị đã có thể nhanh chóng chọn sản phẩm và lên đơn hàng cho khách hàng của mình
rồi, chưa tới 1 phút đã có thể lên xong 1 đơn hàng mà không cần ghi ra giấy từ
trên xuống dưới…”
5. Trích dẫn câu nói hoặc châm ngôn
Đây là cách mà rất nhiều bộ phim điện ảnh áp dụng, cách này thực sự rất gây chú ý.
“Người ta hay nói ‘Think big. Do small.’ (Nghĩ lớn. Làm nhỏ), giờ tôi
muốn thêm vào ‘Start quick’ (Bắt đầu nhanh) để nói lên rằng…”
“Steve Jobs nói rằng ‘Stay hungry. Stay foolish’ (Hãy cứ khao khát, hãy cứ
dạy khờ), nhưng tôi muốn thêm ‘Stay alive’ (Còn sống cái đã)
để các bạn hiểu là…”
6. Bắt đầu bằng “Chuyện gì xảy ra nếu như…”
Bắt đầu như vầy cũng có tác dụng kích thích suy nghĩ của người nghe về chủ đề bạn muốn nói, bao gồm luôn tác dụng giúp họ mường tượng ra trong đầu về nội dung được nghe.
“Chuyện gì xảy ra nếu bỗng dưng sổ nợ mà anh chị cất giữ bấy lâu nay bị
thấm nước không đọc được.”, “Chuyện gì xảy ra nếu mọi dữ liệu mà anh chị lưu
trên máy tính cá nhân của mình bị mất hết”, hoặc cao siêu hơn
“Chuyện gì xảy ra khi… trái đất ngừng quay”.
7. Tạo 1 tình huống gây cười.
Trong buổi giới thiệu chương trình Keynote của mình, Steve Jobs bắt đầu bằng cách kể 1 câu chuyện với kết thúc rất hài hước, làm cho khán giả phía dưới phải bật cười. Dưới đây là trích dẫn từ phần giới thiệu đó.
“Keynote là một chương trình ứng dụng khi bạn xem bài thuyết trình là thật sự
quan trọng [trên hình chiếu có dòng chữ: “Khi bạn xem bài thuyết trình là thật sự
quan trọng.”] Và Keynote được xây dựng cho tôi [trên hình chiếu có dòng chữ:
“Xây dựng cho tôi.”]
Công ty đã xây dựng nó cho tôi; bây giờ tôi muốn chia sẻ nó với các bạn.
Chúng tôi thuê một nhân viên lương thấp thử lần hai để thử bêta cho
ứng dụng này trong suốt một năm, và đây là anh ta [khán giả cười rộ khi thấy
trên màn ảnh là hình của Jobs].”
Hãy tìm ra tình huống gây cười của mình, hoặc biến đổi 1 câu chuyện “trông có vẻ nghiêm túc” thành 1 câu chuyện vui khiến khán giả phát cười cùng bạn.
8. Chiếu 1 video ngắn
Video là hình thức trực quan nhất lôi cuốn sự chú ý của khán giả phía dưới, vì trong video luôn bao gồm các hiệu ứng về hình ảnh, âm thanh hoặc chi tiết nào đó luôn hút chú ý của khán giả.
Tuy nhiên, đây là kỹ thuật ít được áp dụng vì đầu tư thực hiện video tốn khá nhiều thời gian (chưa kể đến chi phí), vì không phải chủ đề nào cũng có sẵn video để bạn tìm kiếm trên mạng.
Các chủ đề về thành công nghề nghiệp, vươn tới ước mơ gần như lúc nào cũng bắt đầu bằng việc trình diễn video, rất có tác dụng khích động, gây hào hứng.
Các kỹ thuật được đề cập trên đây hoàn toàn có thể được kết hợp cùng lúc trong buổi thuyết trình của bạn chứ không nhất thiết phải áp dụng riêng lẻ.