Lề lối tư duy Copywriting: Xây để phá
Trong kế hoạch mới nhằm tiếp cận các khách hàng lớn, chúng tôi, đội 3 người, được thử thách với nhiệm vụ viết 1 nội dung chào hàng.
Mỗi người sẽ có 1 version riêng của mình, yêu cầu là phải trả lời được 5 câu hỏi đằng dưới, vận dụng mọi hiểu biết về triển khai cho khách hờng trước giờ, hạn nộp là trong vòng 24 tiếng.
1. Tụi tôi là nhân vật nào của lịch sử?
2. Tụi tôi làm gì trong cõi đời này?
3. Tại sao nên hợp tác với nhân vật lịch sử như tụi tôi?
4. Lợi ích khủng khiếp tụi tôi mang lại?
5. … [đố bạn câu thứ 5]
Với tôi đây là nhiệm vụ tương đối dễ, nhưng với 2 bạn trẻ còn lại, câu hỏi trong đầu luôn là “Viết làm sao?” vì chẳng biết viết gì, vì hẹp hòi vốn từ ngữ, vì chưa từng viết, vì viết kiểu gì cũng không đủ độ tởm như tôi, ảnh là trùm… nên thôi viết làm gì.
Kết quả chắc dễ đoán, 1 tiếp cận vấn đề hơi phức tạp, 1 nội dung khó nhai. Riêng tôi tiếp tục thể hiện thần thái như mọi khi.
Cũng chưa có gì để nói lúc này……..
Hôm nay 1 bạn nữ thông minh nhạy bén nhờ tôi duyệt dùm phần trả lời cho 1 nội dung hỏi đáp trên website công ty đặng còn đăng lên cho đủ target.
Sẵn dịp đó tôi cũng làm luôn 1 bài truyền đạo nhức nhối tâm can vì phải công nhận là nội dung cần duyệt quá tệ. Không duyệt, không duyệt!
Mới đầu tôi thủ thỉ lý do không duyệt….
Lý do không duyệt thứ nhất là nội dung câu hỏi. Nó quá ngắn. Nó không chính xác. Bạn dùng từ “Bán âm” trong khi khái niệm này không hề hiển thị vào bất kì chỗ nào trên phần mềm.
Lý do không duyệt thứ 2 là phần trả lời. Dẫn dắt lê thê (hấp dẫn thì không nói, đằng này…). Quá dày đặc chữ. Đoạn quá nhiều dòng. Nhìn xong không muốn đọc. Sửa ngay.
Mất hẳn 10 phút cho phần này.
Thấy bạn trẻ cũng chăm chú nghe (đôi khi phát hiện cơ ngáp của bạn hiển lộ) nên hồi sau nện luôn 1 mindset cho bạn, truyền chút công lực coi như cơ duyên Hư Trúc gặp Vô Nhai Tử.
Nội dung chào hàng hay hỏi đáp đều là sản phẩm (copy) của hoạt động copywriting nên phải tuân theo các nguyên tắc của nó.
Một, không có mục tiêu thì đừng viết, có mục tiêu thì cũng khoan viết. Case đầu tiên, mục tiêu không phải trả lời 5 câu hỏi. Case 2, mục tiêu không phải là trả lời câu hỏi.
Mục tiêu khi viết 1 copy phải dựa trên đối tượng của copy đó, ở case đầu, đối tượng không phải là người ra đề, đối tượng chính là khách hàng lớn, nên viết chỉ để trả lời 5 câu hỏi thì chỉ đạt yêu cầu của người ra đề. Case thứ 2 cũng vậy, không khác.
Cho nên với nội dung được trình bày theo kiểu câu hỏi và trả lời ở phía dưới sẽ không đủ thỏa mãn.
Mục tiêu đặt ra phải tập trung vào các thời gian trước, trong và sau khi đọc, tức là phải làm người ta thấy quan tâm, phải làm người ta đọc tiếp, rồi đọc hết, rồi hiểu đầy đủ, rồi nhớ, rồi hành động theo hướng mình muốn, rồi có đọc nội dung khác của mình hay không.
Thế làm sao biết hiệu quả của copy mình. Thông thường sẽ đánh giá qua số người có hành động cụ thể, ví dụ 100 người và có 5 người đăng ký hoặc liên hệ cho mình là thấy ngay kết quả. Đặc biệt đối với internet, người ta còn phát triển các công cụ để biết chính xác ai đó đọc tới đâu, đọc hết hay không, có bấm vào nút mình muốn hay không… để giúp hiểu biết của mình toàn diện hơn thay vì trông chờ vào hành động cụ thể.
Chỉ khi luôn giữ những mục tiêu đó trong đầu, thì mình mới có nỗ lực cần thiết và đúng đắn để cải thiện, biết hướng mà cải tiến. Còn cải tiến gì thì xem ở nguyên tắc 2.
Với bạn thì hãy nhanh chóng đặt câu hỏi Yes/No về hiệu quả của copy mình làm ra, kèm luôn chữ Why để còn để ý lý do.
Hai, bản chất của copywriting là để truyền đạt, mục tiêu là đảm bảo tất cả thông tin được truyền tải từ bộ não này qua bộ não khác được đầy đủ, không sai sót, không lầm tưởng, giống như nhà đài truyền sóng phát thanh / truyền hình đến máy cát set và TV nhà bạn.
Còn cách sử dụng ngôn từ khéo léo, chèn hình, chèn video, font chữ, cỡ chữ, màu sắc, bố cục… chỉ là những cách thức giúp cho copywriting thực hiện hiệu quả mục tiêu này. Ví dụ:
– Nếu 1 copy chỉ toàn là chữ, người ta bắt đầu bổ sung thêm hình, hoặc chia ngắn các đoạn cho dễ đọc hơn
– Sử dụng In đậm hoặc viết CAPSLOCK để nhấn mạnh ý được đề cập.
– Viết tiêu đề sao cho thu hút, điều này quan trọng, vì 1 người có thể gặp hàng trăm tiêu để 1 ngày nên bạn phải viết tiêu đề làm sao để mìng nổi bật nhất trong số đó (tiêu đề bài này có vẻ không hay lắm ha). Mà từ đó nên người ta hình thành nên cái thói quen là SCAN màn hình, chứ không đọc kỹ tiêu đề từng bài. Họ scan cái nào được mắt là sẽ chú ý và đọc cái đó.
– Người ta còn bồi dưỡng ngôn từ của mình để tăng thêm độ sắc sảo, bồi đắp cá tính, làm nổi bật bản thân giữa chốn copywriter. Viết như nói, nói như giết.
– Người ta cố gắng nắm bắt nhiều hiểu biết về tâm lý học để… để làm gì ta?
– Rồi khám phá ra nhiều thứ lắm, để ý kỹ thì mới thấy.
Như tôi khi viết bài này, biết là viết để bạn hiểu các nguyên tắc, nhưng cũng phải cân nhắc kỹ từng câu chữ, tiếp cận theo kiểu nào chèn thêm tí hảo sảng, anh tuấn của bản thân để các bạn hấp thu trọn vẹn, vừa funny vừa nghiêm túc. Còn khi bạn không hiểu gì, tôi phải tự xem lại mình.
Đó, chỉ cần hiểu được vậy là có 1 bước tiến đúng đắn vào copywriting rồi, còn lại thì tu tập thêm, học chỗ này, bổ sung chỗ khác, lâu ngày thành tài. Tinh thần ở đây là Do the right thing right, trước hết là phải làm đúng việc, rồi mới làm đúng nó, tức là làm nó đúng cách, đúng việc rồi đúng cách, vậy mới đúng… thôi nhức đầu quá *đúng đúng*.